Khởi nghĩa Lam Sơn Lê_Thái_Tổ

Bài chi tiết: Khởi nghĩa Lam Sơn

Năm 1416, Lê Lợi đã cùng 18 người khác tham gia hội thề Lũng Nhai nguyện đánh quân Minh cứu nước. Khi nhà Minh đánh bại hoàn toàn nhà Hồ đã kêu gọi Lê Lợi ra làm quan cho họ nhưng Lê Lợi từ chối. Lê Lợi nhận thấy thế quân Minh còn mạnh, nên đem nhiều tiền của hối lộ cho các chỉ huy nhà Minh là Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ,... để khỏi bị nạn, chờ thời cơ. Thổ quan người Việt phục vụ cho nhà Minh là Lương Nhữ Hốt quê ở huyện Cổ Đằng (nay là Hoằng Hóa, Thanh Hóa) biết Lê Lợi có chí lớn, ngầm ghen ghét, bèn báo cho quân Minh. Bị quân Minh bức bách, Lê Lợi quyết định dấy binh khởi nghĩa.[32] Lê Lợi từng nói rằng:

Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược.

— Lê Lợi

Mùa xuân, ngày mồng 2, tháng Giêng, năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Phạm Vấn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Nguyễn Lý[33]... tất cả 50 tướng văn và tướng võ (trong đó có 19 người đã từng kết nghĩa anh em nguyện cùng chí hướng với nhau ở hội thề Lũng Nhai, năm 1416), chính thức phất cờ khởi nghĩa (khởi nghĩa Lam Sơn). Sách Lam Sơn thực lục chép rằng:[34]

Nguyên trước Nhà vua kinh doanh việc bốn phương, Bắc đánh giặc Minh, Nam đuổi quân Lào, mình trải trăm trận, đến đâu được đấy, chỉ dùng có quan võ là bọn Lê Thạch, Lê Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Lý, Lê Ngân, ba mươi lăm người; quan văn là bọn Lê văn Linh, Lê quốc Hưng; cùng những quân thân như cha, con; hai trăm thiết kỵ, hai trăm nghĩa sĩ, hai trăm dũng sĩ và mười bốn thớt voi. Còn bọn chuyên chở lương-thảo, cùng già yếu đi hộ vệ vợ con, cũng chỉ hai nghìn người mà thôi.

— Lam Sơn thực lục

Ông tự xưng là Bình Định vương, đặt quan chức và liêu thuộc, phát hịch các nơi xa gần cùng tham gia khởi nghĩa, giành lấy chính quyền Đại Việt.[35][36] Thời kì hoạt động ở vùng thượng du Thanh Hóa, Lê Lợi tổ chức quân đội bằng cách lập các đạo binh phụ tử gồm ba binh chủng: Quân thiết đột, quân dũng sĩ, quân nghĩa sĩ, mỗi binh chủng có hai trăm người.[37]

Thời kỳ đầu ở vùng núi Thanh Hóa

Trong thời gian đầu, lực lượng của quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, thường chỉ thắng được vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại. Hoạt động trong thời này chủ yếu ở vùng núi Thanh Hóa. Có những lúc Lê Lợi và quân Lam Sơn phải trốn chạy.[38] Thời gian từ năm 1418 tới năm 1423, trong 5 năm nghĩa quân Lam Sơn đã có 18 trận đánh với quân Minh.[39]

Ngày 9 tháng 1 âm lịch năm 1418, tướng Nhà Minh là Mã Kỳ dẫn đại quân đánh vào Lam Sơn. Lê Lợi rút quân tới Lạc Thủy, tại đây ông bố trí quân mai phục chờ địch. Khi quân Mã Kỳ tới vào ngày 13 tháng 1, Lê Lợi sai quân mai phục đổ ra đánh; theo Toàn thư: "Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý... dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới", sau đó nghĩa quân dời về núi Chí Linh.[40]

Ba ngày sau, cộng sự người Việt tên là Ái dẫn quân Minh theo lối tắt đánh úp nghĩa quân.[41] Người Minh bắt được vợ con của Lê Lợi và thân quyến của nhiều tướng sĩ. Một bộ phận nghĩa quân nhụt chí đành bỏ cuộc, chỉ có Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Bí, Lê Xí và Lê Đạp theo Lê Lợi vào ẩn náu ở núi Chí Linh. Nghĩa quân tuyệt lương đến 2-3 tháng; đến khi quân Minh rút lui, Lê Lợi mới trở về thu lại được tàn quân hơn 100 người, xây chiến lũy ở Lam Sơn cố thủ, phủ dụ quân lính, ước thúc cơ đội và sửa sang khí giới; nhờ đó nghĩa quân Lam Sơn lại mạnh lên.[41][42]

Cuối tháng 1 âm lịch năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp Lê Lợi hỏi mọi người: "Có ai dám bắt chước Kỷ Tín ngày xưa không?" [41] Lúc ấy chỉ có Lê Lai nhận lời, đem quân ra khiêu chiến và tự xưng là chúa Lam Sơn. Quân Minh vây đánh và bắt được Lê Lai và một số tướng lĩnh khác. Vì tưởng là Lê Lợi, người Minh đã xử tử Lê Lai một cách tàn ác và lui quân. Nhờ hành động của Lê Lai, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh khác được thoát.[43] Năm 1419, tận dụng thời cơ quân Minh lui quân, Lê Lợi tiến hành xây dựng thành lũy, sửa sang chiến cụ và động viên sĩ khí quân đội.[43]

Tháng 10 âm lịch năm 1420, quân Minh tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi cho quân mai phục ở bến Bổng, đánh thắng và thu hơn 100 con ngựa. Lê Lợi cho quân nghỉ ở Mường Nanh, sau dời quân đóng ở Mường Thôi.[44] Lý Bân và Phương Chính được Đồng tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn đường, kéo 10 vạn đại quân tới, theo đường từ Quỳ Châu tới Mường Thôi. Lê Lợi sai Lê Triệu, Lê Lý và Lê Vấn đem quân phục ở xứ Bồ Mộng để phục đánh tiền quân Nhà Minh. Quân Minh đến, nghĩa quân Lam Sơn đổ ra đánh, quân Minh tan vỡ, nghĩa quân giết 300 quân Minh.[45] Đại quân Minh tiến gần tới dinh Lê Lợi đóng, Lê Lợi sai quân mai phục ở chỗ hiểm yếu. Ngày hôm sau, Lê Lợi tung quân ra đánh, quân Minh đại bại ở xứ Bồ Thi Lang và bị mất hơn 1000 quân; Lý Bân và Phương Chính chỉ chạy thoát được thân mình. Nghĩa quân truy sát đến 6 ngày đêm mới dẫn quân trở về.[46]

Tận dụng thời cơ, Lê Lợi tiến quân đóng ở trại Ba Lẫm thuộc Lỗi Giang, quân Minh không dám khiêu chiến. Tướng Nhà Minh là Tạ Phượng, Hoàng Thành lui binh về Nga Lạc, rồi lại về giữ trại Quan Du để phòng vệ thành Tây Đô, giữ chặt lũy không ra. Lê Lợi sai tướng Lam Sơn là Lê Hào, Lê Sát đánh trại Quan Du, chém hơn nghìn người.[46] Chiến thắng Thị Lang là trận đánh mang tính bước ngoặt với nghĩa quân Lam Sơn, trước nay nghĩa quân dù thắng cũng phải rút chạy, nay đánh bại 10 vạn quân địch, thừa thế đuổi theo, lập chiến tuyến ở Lỗi Giang, dòm ngó Tây Đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng "từ đó thế giặc ngày một suy".[47] Lê Lợi nhân cơ hội đó mộ binh, chiêu tập nhân dân các xứ, các huyện bên cạnh đều hưởng ứng.[48]

Ngày 20 tháng 11 năm 1421, tướng Nhà Minh là Trần Trí thu quân các vệ Giao Châu cùng ngụy binh, hơn 10 vạn quân tiến tới chiến tuyễn Lỗi Giang. Lê Lợi cho rằng:[49]

Quân giặc nhiều, quân ta ít, nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn. Binh pháp có nói được hay thua là ở tướng chứ không phải ở quân nhiều hay ít, nay quân giặc tuy nhiều, nhưng ta đem quân nhàn đợi đánh quân mệt mỏi, chắc chắn sẽ đánh bại chúng.

— Lê Lợi

Lê Lợi chia quân tập kích doanh trại quân Minh vào ban đêm, phá 4 trại, chém hơn 1000 người. Trần Trí không nản, đem quân phá núi, mở đường tiến đánh nghĩa quân, Lê Lợi sai quân phục ở đèo Ống, đánh tan quân Trần Trí, khiến Trí tháo chạy.[49][50]

Vừa lúc ấy quân Ai Lao đem 3 vạn quân, 100 thớt voi đột xuất đến doanh trại nghĩa quân Lam Sơn, phao tin là hợp sức với nghĩa quân đánh quân Minh. Lê Lợi chấp thuận, quân Ai Lao nửa đêm đánh úp nghĩa quân. Lê Lợi đích thân đốc chiến, đánh tan quân Ai Lao, chém 1 vạn người, bắt 14 con voi, truy kích 4 ngày đêm đến tận sào huyệt quân Ai Lao rồi dẫn quân trở về đóng ở Sách Thủy.[49] Một thời gian sau, tù trưởng Ai Lao là Mãn Sát xin giảng hòa, Lê Lợi cho đó là kế gian, các tướng cố xin hòa, Bình chương Lê Thạch tiến đánh nhưng trúng phải chông ngầm mà chết.[49]

Trận Sách Khôi

Tháng 2 âm lịch năm 1422, viên tướng Nhà Minh là Lý Bân bệnh mà chết. Tháng 12 âm lịch năm 1422, quân Minh và quân Ai Lao tiến đánh nghĩa quân ở Trại Quan Du, do bị đánh cả hai mặt, nghĩa quân nhiều người chết và bị thương. Lê Lợi rút quân về Sách Khôi, 7 ngày sau quân Minh tiến tới. Lê Lợi nói với các quân sĩ:[51]

Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là "tử địa" mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết.[52]

— Lê Lợi

Nói xong chảy nước mắt, quân sĩ xúc động, tranh nhau xin chết. Lê Lĩnh, Phạm Vấn, Lê Hào, Lê Triện xông lên trước, chém tướng Nhà Minh là Phùng Quý và hơn 1000 người, bắt được 100 con ngựa. Quân Minh đại bại, Mã Kỳ, Trần Trí thoát thân chạy về Đông Quan; quân Ai Lao tan vỡ.[53]

Giảng hòa

Sau trận Sách Khôi, Lê Lợi thu quân về núi Chí Linh, nghĩa quân thiếu lương 2 tháng, phải đẵn măng rừng, rau và củ để ăn, nhiều người bỏ trốn. Lê Lợi bắt chém viên tướng trốn đi tên Khanh, từ đó việc quân mới tạm an ổn. Do chinh chiến nhiều ngày, tướng sĩ mệt mỏi nên Lê Lợi chấp thuận hòa hoãn với quân Minh, sai Lê Vận, Lê Trăn đi giảng hòa, và được quân Minh chấp thuận.[54]

Ngày 14 tháng 4 âm lịch năm 1423, Lê Lợi lui quân về Lam Sơn. Các chỉ huy quân Minh như Tham tướng Trần Trí và Nội quan Sơn Thọ đem nhiều cá, muối, thóc giống và nông cụ tặng nghĩa quân, Lê Lợi tặng vàng, bạc đáp lễ, nhưng vẫn bí mật cảnh giác. Quân Minh cho rằng không khuất phục được Lê Lợi, bèn bắt giam nhóm sứ giả Lê Trăn không cho về. Lê Lợi đình chỉ việc giảng hòa, tướng sĩ Lam Sơn đều căm giận người Minh và thề chiến đấu tới cùng.[55][56] Bài Bình Ngô đại cáo do Lê Lợi sai Nguyễn Trãi soạn sau này đã thuật lại một cách sâu sắc những năm đầu gian khổ của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn:[57]

Vừa khi cờ khởi nghĩa mới dấy lên,

Chính lúc thế giặc đương rất mạnh...

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Lúc Khôi huyện quân không một lữ.

Bởi trời muốn thử thách ta, để trao mệnh lớn,

Nên ta càng mài ý chí, quyết vượt gian nguy.

Dựng gậy làm cờ, tụ hội bốn phương manh lệ,

Hòa rượu mời lính, dưới trên một dạ cha con.

— Bình Ngô đại cáo

Tiến vào Nghệ An

Nghĩa quân Lam Sơn tiến quân vào Nghệ An.

Ngày 20 tháng 9 âm lịch năm 1424, khi Lê Lợi hỏi mọi người rằng: "Nay chúng ta nên tới xứ nào để mưu đồ việc nước?", Thiếu úy Nguyễn Chích đã đáp:[58]

Hạ thần thường qua lại tỉnh Nghệ An nhiều lần, nên có biết những nơi hiểm yếu trong tỉnh ấy.Nay xin dẫn quân vào trại của Cầm Bành tỉnh Nghệ An, hễ ai hàng thì ta phủ dụ, nếu không hàng thì ta đánh lấy trại ấy làm căn bản, rồi từ từ tính việc lấy lại Đông Đô. Như vậy việc nước có thể sẽ thành".

— Nguyễn Chích

Lê Lợi nghe theo, tiến quân vào Nghệ An. Ngày 20 tháng 9 âm lịch năm 1424, Lê Lợi chia quân đánh úp thành Đa Căng, phá được thành này, quân Minh bị giết và chết đuối hơn 1000 người. Tham chính Lương Nhữ Hốt chạy thoát, nghĩa quân thu nhiều lương thực, khí giới. Sau đó tướng Nhà Minh là Hoa Ánh đến cứu, Lê Lợi xua quân đánh tràn, quân Minh thua to, chạy vào Tây Đô. Lê Lợi sai thả về tất cả vợ, con, gia quyến của quân Minh bị bắt, rồi tiến quân vào châu Trà Long.[59]

Lê Lợi dẫn quân qua núi Bồ Lạp thuộc Châu Quì, thì bị Chỉ huy đồng tri nhà Minh Sư Hựu, Tri phủ châu Trà LânCầm Bành đem 5000 quân đón ở mặt trước, mặt sau bị Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Thái Phúc uy hiếp. Nhân trời sắp tối, Lê Lợi sai phục binh trong rừng đón đánh Trần Trí, Lý An, Phương Chính, quân Minh tan vỡ, Đô ty Trần Trung bị chém, mất 2000 người, 100 con ngựa. Ngày sau, nghĩa quân đến Trang Trịnh Sơn, châu Trà Lân, đánh bại Sư Hựu, chém thiên hộ Trường Bản và hơn 1000 người. Lê Lợi dẫn quân đến sách Mộc, Trần Trí đuổi theo nhưng không dám tiến sâu, lui về giữ thành Nghệ An, đưa trả Lê Trăn cầu hòa.[60]

Tháng 11 âm lịch năm 1424, Lê Lợi sai người chiêu dụ Cầm Bành. Bành cự tuyệt không theo, Cầm Bành cùng với hơn ngàn quân lên dựng rào lũy trên đỉnh núi để đón quân cứu viện. Nghĩa quân bao vây, Phương Chính, Sơn Thọ muốn đem quân cứu nhưng không dám tiến quân, sai người mang thư cầu hòa nghĩa quân, nhằm giải vây Cầm Bành. Lê Lợi nói rằng: "Cầm Bành đang nguy khốn, bọn Chính đáng lẽ phải cấp tốc cứu viện, nay lại dùng dằng, hẳn là có ý lo sợ. Chi bằng ta giả cách cho hòa để xem tình thế ra sao, tin đi tin lại mất hàng tuần hàng tháng, thì Cầm Bành lúc ấy chắc đã bị bắt rồi". Rồi ông viết thư để trên bè thả theo dòng sông, Lê Lợi viết thư rằng vẫn muốn giảng hòa, nhưng bị Cầm Bành chặn đường, xin cho sứ giả đến hòa giải để thông đường về. Phương Chính nhận được thư, sai Trần Đức Nhị đến bảo Cầm Bành hòa giải, Bành biết viện binh không đến, liền đầu hàng. Lê Lợi tiếp quản châu Trà Lân và ra lệnh rằng:[61]

Cầm Bành đã đầu hàng, chớ có mảy may xâm phạm, tha tội cho tất cả, không được giết một người nào.

— Lê Lợi

Lê Lợi ủy lạo, động viên các bộ tộc, khao thưởng tù trưởng và mộ quân thêm 5000 người. Quân Minh nghe tin Cầm Bành ra hàng, quay lại đánh trại Trà Lân, nhưng bị Lê Lợi đánh lui.

Vây đánh thành Nghệ An

Lê Lợi tiến quân tới đánh thành Nghệ An, quân sắp đi, nhận được tin báo quân Minh đem quân thủy bộ tới. Lê Lợi bàn với các tướng:[59]

Quân địch đông, quân ta ít, đem ít đánh đông chỉ ở những đất hiểm là có thể lập được công. Vả chăng binh pháp nói: "Nhử người tới, chứ không để người dữ tới".[62]

— Lam Sơn thực lục

Trên tình hình đó, ông chia hơn nghìn quân, sai tướng Lê Liệt theo đường tắt giữ huyện Đỗ Gia, cướp thế tranh tiên của địch. Còn Lê Lợi thì chính mình cầm đại quân, đóng giữ vào nơi hiểm trở để đợi. Chừng ba, bốn ngày, người Minh đem hết cả quân, mặt thủy, mặt bộ đều tới ải Khả Lưu, đắp lũy và đóng trại ở miệt dưới. Nghĩa quân ở miệt trên, dương cờ, đánh trống, đêm thì đốt lửa. Lại ngầm sai quân tinh nhuệ và bốn thớt voi, qua sông phục nơi hiểm yếu. Trời sắp sáng, quân Minh bèn dẫn quân, trên cạn, dưới sông đều tiến, để đánh dinh trại của nghĩa quân. Lê Lợi giả vờ lui, nhử giặc vào chỗ có quân phục. Giặc không ngờ, đem hết quân vào sâu. Quân phục bốn mặt nổi lên, xông đánh, cả phá được trận giặc. Quân Minh thiệt hại vô số, rồi tựa núi, đắp lũy cố thủ và không tấn công nữa.[63]

Khi ấy, lương của nghĩa quân không tới 10 ngày, quân Minh còn nhiều lương, Lê Lợi nhận định rằng:[63]

Quân giặc nhiều lương, đắp lũy để làm kế lâu dài. Quân ta ít lương không thể giữ dằng dai được với nó.

— Lam Sơn thực lục

Ông bèn sai đốt hết trại, dinh, rồi giả vờ chạy lên miệt trên; nhưng thật ra quân Lam Sơn đi ngầm đường tắt, đợi quân Minh đến thì đánh. Quân Minh cho rằng nghĩa quân bỏ chạy, đem quân từ dưới lên đóng vào dinh trại cũ. Ngày sau, Lê Lợi đem quân khiêu chiến, quân Minh tung hết quân ra đánh. Lê Sát, Lê Vấn, Lê Bí, Lê Lễ, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê văn An đều thi nhau hãm trận. Quân Minh vỡ trận, người chết vô số, thuyền trôi nghiền, quân lính chết đuối tắc cả dòng sông. Tướng tiên phong Hoàng Thành bị chém chết, tướng Chu Kiệt cùng hơn 1000 quân Minh bị bắt, nghĩa quân thừa thắng đuối 3 ngày, quân Minh chạy vào thành Nghệ An cố thủ.[63]

Tháng 5 năm 1425, Lê Lợi lại sai Đinh Lễ đem quân ra đánh Diễn Châu, quân Minh thua chạy về Tây Đô (Thanh Hóa). Sau đó ông lại điều Lê Sát, Lưu Nhân Chú và Lý Triện tiếp ứng cho Đinh Lễ đánh ra Tây Đô, quân Minh ra đánh lại bị thua phải rút vào cố thủ trong thành.[60] Lê Lợi một mặt siết vòng vây quanh thành Nghệ AnTây Đô, mặt khác sai Trần Nguyên Hãn, Doãn Nỗ, Lê Đa Bồ đem quân vào nam đánh Tân Bình, Thuận Hóa. Tướng Minh là Nhậm Năng ra đánh bị phá tan. Sau đó Lê Lợi lại sai Lê Ngân, Lê Văn An mang thủy quân tiếp ứng cho Trần Nguyên Hãn chiếm đất Tân Bình, Thuận Hóa. Quân Minh phải rút vào cố thủ nốt.[60] Như vậy đến cuối năm 1425, Lê Lợi làm chủ toàn bộ đất đai từ Thanh Hóa trở vào, các thành của đối phương đều bị bao vây.[60]

Chiến dịch Tốt Động - Chúc Động

Tháng 8 năm 1426, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh Bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lý Triện ra phía Tây Bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông Bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.[64][65] Lý Triện tiến đến gần Đông Quan gặp Trần Trí kéo ra, liền đánh bại Trần Trí. Nghe tin viện binh nhà Minh ở Vân Nam sắp sang, Triện chia quân cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả ra chặn quân Vân Nam, còn Lý Triện và Đỗ Bí hợp với quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan.[66]

Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Quân Vân Nam chạy về cố thủ ở thành Xương Giang. Trần Trí thấy mất viện binh bèn cầu viện Lý An ở Nghệ An. Lý An và Phương Chính để Thái Phúc ở lại giữ thành Nghệ An, mang quân vượt biển ra cứu Đông Quan. Lê Lợi liền giao cho Lê Văn An, Lê Văn Linh vây thành, còn mình kéo đại quân ra Bắc.[67][68]

Vua Minh sai Vương Thông, Mã Anh mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lê Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng thua chạy, về nhập với quân Vương Thông ở Cổ Sở. Lý Triện lại tiến đánh Vương Thông, nhưng Thông đã phòng bị, Triện bị thua phải rút về Cao Bộ, sai người cầu cứu Nguyễn Xí.[65] Đinh Lễ, Nguyễn Xí đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nhân biết Vương Thông định chia dường đánh úp Lý Triện, hai tướng bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động.[69] Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.[70]

Kết cục của trận Tốt Động-Chúc Động đã làm phá sản kế hoạch phản công của Vương Thông đồng thời tạo ra lợi thế cho nghĩa quân Lam Sơn buộc quân Minh phải rút về cố thủ và chấp nhận đàm phán. Do mất rất nhiều vũ khí trong trận này, quân Minh buộc phải tìm cách chế tạo vũ khí, Vương Thông đã sai quân phá chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh để làm hỏa khí. Trong khi đó, quân Lam Sơn có thêm rất nhiều vũ khí và có thể đã tiếp thu thêm công nghệ chế tạo súng của quân Minh.[71]

Sách Đại Việt thông sử viết rằng:

Người trong nước còn sợ oai giặc Ngô, chưa quy phục nhà vua hết thảy. Từ sau chiến thắng Tốt Động quân ta bèn vây Đông Đô. Sĩ dân ở các phủ huyện hưởng ứng rầm rộ. Những người hào kiệt trí dũng theo về như đi chợ. Thành trì giặc các nơi lần lượt bị phá hoặc xin hàng, mà 3 ty nhà Minh phải đóng cửa thành tử thủ, thế cùng bức bách phải xin hòa. Trong khoảng một năm, cả nước được bình định. Đó đều là công của bọn các ông Lê Lễ, Lê Triện.

— Đại Việt thông sử, Đinh Lễ[72]

Sử chép ba đạo quân ra bắc của Lê Lợi chỉ có tổng số 9000 người. Các nhà nghiên cứu cho rằng con số đó chưa chính xác vì các trận đánh của ba đạo quân này đều có quy mô khá lớn và lực lượng quân Minh sang nhập vào khá đông, do đó để giành thắng lợi, 3 cánh quân (sau đó lại chia thành 4) chắc phải đông hơn. Với một vài ngàn người khó đương nổi lực lượng đông và mạnh của quân Minh như vậy. Căn cứ sách Đại Việt thông sử, khi quân Minh sắp rút về, Lê Lợi đã bàn với các tướng, đại ý rằng: quân Lam Sơn hiện có tổng số 35 vạn, ông dự định sẽ cho 25 vạn về làm ruộng và tuyển lấy 10 vạn làm quân thường trực của triều đình. Qua đó thì thấy những cánh quân ra bắc phải có một vài vạn mỗi cánh quân. Lê Lợi được tin thắng trận liền sai Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị chia hai đường thủy bộ tiến ra gần Đông Quan.[70][73]

Lê Lợi tiến quân ra Bắc, lập Trần Cảo, bao vây thành Đông Quan

Bài chi tiết: Trần Cảo (vua)

Cánh quân của Đinh Lễ, Lý Triện sau trận Tốt Động - Chúc Động liền bao vây thành Đông Quan, báo tin về hành dinh Lê Lợi đóng ở Lỗi Giang Thanh Hóa. Được tin, Lê Lợi liền đem đại quân và 20 con voi, theo đường thủy tiến gấp ra Bắc, đóng dinh ở sông Lũng Giang (sông Đáy). Sau đó Lê Lợi tiến đánh một trận lớn phá tiền đồn quân Minh bảo vệ thành Đông Quan, khiến cho quân Minh phải chạy hoàn toàn vào Đông Quan đắp lũy cố thủ. Lê Lợi nhân cơ hội quân Minh bị vây ở Đông Quan, liền chia các lộ trấn ở Đông Đô thành bốn đạo, xếp đặt lại tổ chức, kén chọn người tài, trị tội các ngụy quan người Việt phục vụ cho nhà Minh.[74]

Vương Thông không dám ra đánh, viện cớ tìm lại tờ chiếu của vua Minh năm 1407 khi đánh nhà Hồ, có nội dung muốn lập lại con cháu nhà Trần[75] ra điều kiện với Lê Lợi rằng Thông sẽ rút về nếu Lê Lợi lập con cháu nhà Trần làm vua.[76][77]

Lê Lợi vì đại cuộc, muốn quân Minh nhanh chóng rút về nên đồng ý. Ông sai người tìm được Trần Cảo[78] bèn lập làm vua, còn ông tự xưng là Vệ quốc công.[76][77] Vương Thông ngoài mặt giảng hòa nhưng lại sai quân đào hào cắm chông phòng thủ và mật sai người về xin cứu viện. Lê Lợi biết chuyện liền cắt đứt giảng hòa.[76]

Sau khi cắt đứt giảng hòa, Lê Lợi sai các tướng đi đánh chiếm các thành ở Bắc Bộ như Điêu Diêu (Thị Cầu, Bắc Ninh), Tam Giang (Tam Đái, Phú Thọ), Xương Giang (phủ Lạng Thương), Kỳ Ôn, không lâu sau đều hạ được.[77] Đầu năm 1427 ông chia quân tiến qua sông Nhị, đóng dinh ở Bồ Đề,[79] sai các tướng đánh thành Đông Quan. Ông đặt kỷ luật quân đội rất nghiêm để yên lòng nhân dân. Do đó quân Lam Sơn đi đến các nơi rất được lòng dân.[80]

Tướng Minh là Thái Phúc nộp thành Nghệ An xin hàng. Lê Lợi sai Thượng thư bộ Lại là Nguyễn Trãi viết thư dụ đối phương ở các thành khác ra hàng.[81] Nhân lúc quân Lam Sơn vây thành có vẻ lơi lỏng, quân Minh ở Đông Quan ra đánh úp. Lê Triện tử trận ở Từ Liêm, Đinh LễNguyễn Xí bị bắt ở Thanh Trì. Sau Đinh Lễ bị giết, Nguyễn Xí trốn thoát được.[80]

Chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang

Trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427.

Cuối năm 1427, vua Minh Tuyên Tông điều viện binh cứu Vương Thông, sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân tiến sang từ Quảng Tây; Mộc Thạnh mang 5 vạn quân từ Vân Nam kéo sang.[82]

Trước khi viện binh Nhà Minh kéo sang Lê Lợi đã sai Thái úy[83] Trần Nguyên Hãn, Tư mã Lê Sát, Thiếu úy Nguyễn Lý công thành gấp hạ thành Xương Giang. Thành Xương Giang bị nghĩa quân vây trong hơn 6 tháng, không hạ được, đến đây Lê Lợi đích thân ra lệnh cho các tướng đắp đất, mở đường, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa và súng lửa công phá thành từ bốn mặt. Quân Lam Sơn cuối cùng đã hạ được Xương Giang.[84] Các tướng Minh chỉ huy thành này là Lưu Tử Phụ và Lý Nhiệm chết trận.[83]

Lại ra lệnh dời người ở những vùng đối phương đi qua như Lạng Giang Bắc Giang, Quy Hóa Tuyên Quang, để đồng không để cô lập đối phương. Các tướng khuyên Lê Lợi đánh thành Đông Đô nhưng Lê Lợi phản đối:[84]

Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành bền vững hàng năm hàng tháng không hạ được, khi ấy quân ta sức mỏi chí nhụt, nếu viện binh của giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị tấn công, đó là con đường nguy hiểm. Chi bằng nuôi sức quân, mài giũa tinh thần sắc bén, để đợi viện binh của giặc. Viện binh giặc bị phá thì thành giặc nhất định phải hàng. Như thế là nhất cử lưỡng tiện, là mưu chước vẹn toàn.

— Đại Việt sử ký toàn thư

Lê Lợi họp bàn với các tướng, nói rằng:[84]

Giặc vốn khinh ta, cho là ngưới nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lấn ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng.

— Đại Việt sử ký toàn thư

Biết cánh Liễu Thăng là quân chủ lực, ông sai Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Đinh Liệt, Lê Thụ mang quân phục ở Chi Lăng, lại sai Lê Văn An, Lê Lý mang quân tiếp ứng. Đối với cánh quân Mộc Thạnh, ông biết Thạnh là viên tướng lão luyện, sẽ ngồi chờ thắng bại của Liễu Thăng mới hành động nên hạ lệnh cho Phạm Văn XảoTrịnh Khả cố thủ không đánh.[85]

Tướng trấn giữ biên giới là Trần Lựu liên tục giả cách thua chạy từ Ải Nam Quan về Ải Lưu rồi lại lui về Chi Lăng. Ngày 18 tháng 9 âm lịch, Thăng đuổi đến Chi Lăng. Trần Lựu lại thua, Thăng đắc thắng mang 100 quân kị đi trước. Ngày 20, Thăng bị phục binh của Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Trần Lựu đổ ra chém chết.[85]

Các tướng thừa dịp xông lên đánh quân Minh, giết hơn 1 vạn quân, chém được Lương Minh, Lý Khánh tự vẫn. Tướng Minh còn lại Hoàng Phúc, Thôi Tụ cố kéo về thành Xương Giang thế thủ nhưng đến nơi mới biết thành đã bị quân Lam Sơn hạ, phải đóng quân ngoài đồng không. Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn chặn đường vận lương, sai Phạm Vấn, Lê Khôi đem 3000 quân Thiết đột, 4 thớt voi, cùng với Lê Sát, Nguyễn Lý, Lưu Nhân Chú, Lê Văn An tấn công, giết 5 vạn quân Minh ở Xương Giang. Hoàng Phúc và hơn 3 vạn quân bị bắt, Thôi Tụ không hàng bị giết.[85] Mộc Thạnh nghe tin Liễu Thăng thua bèn rút chạy. Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả đuổi theo chém hơn 1 vạn quân, bắt sống 1000 người ngựa.[85]

Hội thề Đông Quan

Bài chi tiết: Hội thề Đông Quan
Hai cánh viện binh đã gót chẳng kịp quay, thảy đều đại bại,

Mấy thành giặc khôn cũng nối nhau cởi giáp, lũ lượt ra hàng.

Tướng giặc bị tù, nó đã vẫy đuôi xin tha mạng sống,

Oai thần không giết, ta cũng thể lòng trời mở đức hiếu sinh.

— Bình Ngô đại cáo[86]

Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi, tức 10 tháng 12 năm 1427, Lê Lợi cùng các tướng Nhà Minh: Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông, Tham tướng Mã Anh, Thái giám Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh Xương hầu Trần Trí, An Bình hầu Lý An, Đô ty Phương Chính, Chưởng đô ty sự Trần Tuyền, Trần Hựu, Giám sát Ngự sử Chu Kỳ Hậu, Cấp sự trung Quách Vĩnh Thanh, Hữu bố chính sứ Dặc Khiêm, Tả hữu tham chính là Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh và Lục Quảng Bình, Án sát sứ Dương Thời Tập và Thiêm sự Quách Đoan làm hội thề ở cửa Nam thành Đông Đô.[87]

Vương Thông hẹn rằng đến ngày 12 tháng 12 âm lịch thì đem quân về nước và sai người đem tờ trình xin trả lại đất đai cho nghĩa quân. Lê Lợi sai giải vây thành Đông Quan, kéo quân lui về, lại sai giải vây cho 3 thành: Tây Đô, Cổ Lộng và Chí Linh; truyền cho nghĩa quân hộ tống các tướng trong 3 thành trên dẫn quân về thành Đông Quan, để cùng về Trung Quốc.[87]

Ngày 29 tháng 11 âm lịch năm 1427, Lê Lợi sai Lê Thiếu Dĩnh, Lê Cảnh Quang đem tờ biểu cầu phong của Trần Cảo, cùng các vật phẩm theo viên chỉ huy do Vương Thông sai, sang triều Minh.[88]

Các tướng sĩ và người dân căm tức sự tàn ngược của quân Minh, nên khuyên ông giết các bại tướng. Lê Lợi đáp rằng:[89][90]

Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?

— Lê Lợi

Tháng 12 âm lịch năm 1427, Lê Lợi ra lệnh Cánh đường thủy, cấp 500 chiếc thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận. Cánh đường bộ, cấp lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận. Còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận. Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo. Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về.[90]

Ngày 12 tháng 12 âm lịch năm 1427, Phương Chính, Mã Kỳ tới dinh Bồ Đề cáo biệt Lê Lợi, ở lại suốt một buổi chiều, Lê Lợi sai sắm trâu ngựa, trướng vẽ và lễ phẩm hậu tặng.[90] Đến ngày 17, tướng Minh là Vương Thông dẫn quân bộ đi sau. Lê Lợi đã nói chuyện với Vương Thông suốt đêm trước khi từ biệt nhau. Ông còn sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn Vương Thông rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, chiến tranh chấm dứt với thắng lợi hoàn toàn của nghĩa quân Lam Sơn.[88] Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thảo bài Bình Ngô đại cáo để bá cáo cho thiên hạ biết về việc quân Minh đã giảng hòa, rút quân về nước, Nam Bắc thôi việc binh đao, thiên hạ đại định. Đây là áng văn chương rất có giá trị, được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài thơ Nam quốc sơn hà.[91]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lê_Thái_Tổ http://www.bbc.com/vietnamese/regionalnews/story/2... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/333359 http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://www.idref.fr/083818103 http://id.loc.gov/authorities/names/n90659665 http://d-nb.info/gnd/132208482 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000054903505